Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013
XIN GỬI THEO ĐẠI TƯỚNG MỘT THẮC MẮC (Nguyễn T Bình)
Một bài viết về tướng Giáp, mặc dù khác chính kiến nhưng ôn hòa. Bài này đã đăng ở trang Quê Choa nhưng bị gỡ bỏ, xin đăng lại cho những độc giả chưa kịp đọc.
Thương tiếc và ngưỡng mộ là một chuyện, phân tích phê phán là chuyện khác - tất cả hoàn toàn là những việc bình thường. Đối với người Mỹ, không có vị anh hùng nào vĩ đại hơn Washington hay Lincoln, nhưng sử gia Mỹ vẫn tự do phơi bày những khuyết điểm của hai vị tổng thống này. Một dân tộc không dám động đến thần tượng của họ sẽ mãi mãi ấu trĩ trong tư duy.
-------
XIN GỬI THEO ĐẠI TƯỚNG MỘT THẮC MẮC (Nguyễn T Bình)
05-10-2013
http://ngoclinhvugia.wordpress.com/2013/10/05/xin-gui-theo-dai-tuong-mot-thac-mac-nguyen-t-binh/
Tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời chiều 4/10/ 2013 đến với tôi rất trầm mặc. Bởi, ông đã thọ trên trăm tuổi. Trong dịp mừng sinh nhật ông mới đây báo SGGP đã đưa tin chữ ký của ông trong thiệp cám ơn những người đến chúc thọ ông là chữ ký của năm 2012. Nghĩa là ông đã rất đuối rồi.
Sự ra đi của ông nếu gọi là bất ngờ có lẽ ở chỗ Hội nghị TW 8 khóa XI đang diễn ra, trong đó có bàn gút vấn đề sử đỗi Hiến pháp 1992, giữa lúc không khí tan thương bao phủ toàn tỉnh Quảng Bình quê nhà thân yêu của ông, vì cơn bảo số 10 mạnh nhất trong 7 năm qua.
Chân dung, tên tuổi và chiến công lẫy lừng của đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn chặt không thể nào bóc tách khỏi hai cuộc chiến đẫm máu dân tộc ở hậu bán thế kỷ 20 và từ sự giác ngộ cao độ của ông về chủ nghĩa cộng sản, bạo lực cách mạng. Chiến công của ông đã được ngợi ca hết mức từ lâu rồi. Đó là một thực tế có thể không xuất phát từ ý muốn của ông, mà xuất phát từ các đồng chí của ông, nhằm mục đích khẳng định và biện minh cho vai trò lãnh đạo toàn trị của đảng. Do vậy, dù muốn hay không, công lao to lớn của ông trong quá trình giành thắng lợi cuối cùng trong chiến tranh cũng cần được ghi nhận đầy đủ song song với bao nổi niềm khắc khoải ngự trị nặng trĩu trong lòng nhân dân sau khi câu thơ “tiến lên toàn thắng ắt về ta” đã thành hiện thực.
Có thể nói được chăng ở đây, xét về mặt quân sự, đại tướng Võ Nguyên Giáp rất xứng đáng trong suốt bao năm “ngồi trên lưng ngựa bình thiên hạ”. Ông cầm quân bách chiến bách thắng trước nhiều tướng tài Pháp, Mỹ có sẵn trong tay nhân lực, khí tài quân sự tối tân. Nhưng không hiểu sao mỗi lần đọc lại các tài liệu chính thống về ông tôi vẫn khó tránh khỏi ngậm ngùi nhớ câu “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Nhất là khi đọc sử liệu của các bên về trận chiến thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lữa 1972 và trận chiến đẫm máu ở An Lộc (Bình Long) gắn liền hai câu thơ “An Lộc địa danh ghi chiến sử / Biệt kích dù vị quốc vong thân” do một cô giáo trẻ viết ra cho tới nay nhiều người miền Nam còn nhớ.
Cách đây khoảng trên dưới 30 năm, lúc đó đại tướng Võ Nguyên Giáp đang là Phó thủ tướng, kiêm chủ nhiệm Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình, tôi đã tình cờ diện kiến đại tướng trên hành lang phía trong trụ sở UBND.TPHCM. Trong bộ quân phục thẳng nếp, trên cầu vai mang quân hàm đại tướng 4 sao, đầu tóc bạc phơ, vầng trán cao, cặp mắt tinh anh, ông bước đi cường tráng. Tôi mặc đồ civil, đưa bàn tay phải lên ngang mày, mắt nhìn thẳng, ngực ưỡn về phía trước, chào đại tướng đúng kiểu nhà binh. Đại tướng chào lại cũng đúng kiểu nhà binh, kèm câu hỏi đúng giọng Quảng Bình “đồng chí khỏe không”. Tôi đáp rõ tiếng “báo cáo đại tướng, tôi khỏe”.
Khi đại tướng đi qua khỏi, tôi sực nhớ trước đó ông giám đốc sở đang đi sau tôi non chục bước không dưng biến đâu mất, trong khi ông này nguyên đại tá, chính ủy một sư đoàn lừng danh, được thành lập sau chiến thắng vang dội Nhà Đỏ Bông Trang vùng Đông Nam Bộ. Chắc chắn ông đại tá đã nhìn thấy ông đại tướng trong cự ly rất gần. Nhưng tại sao ông đại tá né tránh chào ông đại tướng – người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân ? Sự việc này khiến tôi cứ thắc mắc. Mấy bậc lão thành khuyên “mày đừng nên thắc mắc chi chuyện đó cho phiền cái thân, chính trị ở nước mình xí lắc léo lắm, công cũng đó mà tội cũng đó, không biết đâu mà nói”.
Bây giờ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thật sự thuộc về đất mẹ. Mọi sự đời để lại “thiên thu định luận”. Riêng tôi xin mạn phép được gởi theo ông về miền lạc cảnh điều thắc mắc cách đây 30 năm “vì sao đại tá né tránh chào đại tướng”. Bởi, người đời thường tâm niệm “chết là hết” !
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét