Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Xin đừng đẩy người nông dân đến bước đường cùng!

 Bảo Tịnh        

                

Người nông dân Việt Nam khổ mọi bề : " Người ta đi cấy lấy công(người cấy thuê), Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề, Trông trời, trông đất, trông mây, Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm, Trông cho chân cứng, đá mềm (mong có sức khỏe để mà làm), Trời yên, biển lặng, mới yên tấm lòng ", tiếp nữa : " Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần ". Cảnh người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lam lũ, cơ cực đủ điều !!! 

Bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của đầu tư vào cấy cày, đó là chưa tính đến chuyện bị lừa đảo mua phải thuốc trừ sâu giả, phân bón giả, kèm theo những thứ đóng góp khác cho xã hội... Trong khi người nông dân chỉ biết trông chờ vào hạt thóc, khổ nhất là vùng thuần nông !


 Đến mùa thu hoạch lúa xong thì lại bị tư thương ép giá, mặc dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhưng thử hỏi : khi đến tay người nông dân thì còn được bao nhiêu phần trăm (?)(!). Cho nên, việc người nông dân đấu tranh bền bỉ để đòi lại ruộng đất đã và đang vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp cả nước, vì ngoài việc cày cấy ra thì người nông dân còn biết làm gì khi mà: ngành nghề phụ không có; đi làm thuê ở thành thị hay ở nước ngoài thì cũng còn phải có sức khỏe ..và còn nhiều yếu tố khác chi phối ! Đồng thời cùng với việc người nông dân ở nơi này, nơi khác trả lại ruộng, thậm chí cho cấy nhờ để giữ ruộng hoặc bỏ hoang để cỏ mọc là có thật.  Riêng ở tỉnh Thái Bình có tới vài nghìn hộ. Bởi vì chi phí cho nông nghiệp quá cao, thời tiết không mưa thuận gió hòa, kèm theo sâu bệnh thì coi chừng trắng tay ! Đi theo tình cảnh này dẫn đến nạn cờ bạc, đĩ điếm, lừa đảo và cướp giật đã và đang là Vấn Nạn Lớn ở nông thôn Việt Nam !


Hãy nhìn sang các quốc gia trong khu vực, nhìn rộng ra các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia cùng điểm xuất phát, từng trải qua các cuộc thiên tai địch họa nghiêm trọng, tàn khốc, chúng ta không khó để nhận ra rằng, họ đã tiến xa hơn chúng ta nhiều lần. Đất nước ta, so với họ, còn một khoảng cách rất xa để có thể so vai, sánh bước, "bằng chị bằng em ". Rõ ràng sau 68 năm, cơ sở vật chất đất nước ta vẫn nhiều phần nghèo nàn, lạc hậu, thua kém bạn bè; đời sống một bộ phận người dân còn nhiều bề khốn khó; miền xuôi- miền ngược, đô thị- nông thôn, kẻ giàu- người nghèo là một khoảng cách khá xa về mức sống; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn ở bước đầu ngổn ngang của thời kỳ quá độ…Bây giờ là lúc chúng ta phải biết mình đang ở đâu giữa thế giới bao la và năng động này! 

Chính là lúc mỗi người, từ dân thường đến vị công bộc ở vị trí lãnh đạo quốc gia, hãy ngày ngày tự vấn, biết tự hào và biết xấu hổ! Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc “ăn mày dĩ vãng”, bòn mót quá khứ để khỏa lấp sự yếu kém của mình trong hiện tại. Không thể cứ đổ lỗi mãi cho sự nghèo đói, tụt hậu bằng nguyên nhân chiến tranh, thiên tai, bão lụt.


Từ tư duy nhiệm kỳ hẹp hòi chăm chăm vì mục tiêu yên vị, giữ ghế và thu lợi, hãy tự vấn và chuyển hóa thành hành động tạo nên mốc son, dấu ấn tích cực, tạo động lực phát triển lâu bền cho đất nước”

 Xin đừng đẩy người nông dân đến bước đường cùng - Cùng cực sinh Biến loạn, Biến loạn sinh ra đủ thứ nguy hiểm khó lường ! Đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu khi bảy mươi lăm phần trăm dân số sống bằng nghề nông ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét