Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

NÓI SÂU THÊM VỀ QUAN ĐIỂM ĐẤU TRANH GIAI CẤP CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN

Võ Thanh Hưng


                                           


Quan niệm đấu tranh giai cấp là quan niệm cốt lõi của người CS. Nó không bao giờ có thể bỏ đi được khi nào còn có CNCS và còn có người CS. Nó như là cái xương sống, cái bản chất yêu cầu, cái mục đích tối hậu, mà nếu không có CNCS hoàn toàn không còn có lý do hay hoàn toàn không còn ý nghĩa. Đó là điều có lẽ không bất kỳ người CS đúng nghĩa nào lại phủ nhận.



Ngay từ thời Xô viết Nghệ tĩnh tức những năm 30 của thế kỷ trước, ngay từ thời nổi lên cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, khẩu hiệu san bằng giàu nghèo, lấy của người giàu phân phát cho người nghèo, lấy ruộng đất địa chủ chia cho người nông dân đều là những chủ đích nền tảng và cũng thu hút được vô số những nông dân nghèo.

Thời kỳ cải cách ruộng đất của miền Bắc vào những năm 50 sau đó cũng không đi ra ngoài ý nghĩa chung đó. Rồi hợp tác hóa nông nghiệp tại miền Nam sau năm 75 cũng vẫn tính cách như thế. Nhưng điều đáng chú ý nhất là các nội dung đấu tố địa chủ hết sức khốc liệt tại miền Bắc và miền Trung trong vùng kháng chiến lúc đó, cũng là theo tính cách chung của TQ đã làm, và ý nghĩa tối hậu của nó cũng không ra ngoài ý nghĩa của đấu tranh giai cấp. Cho nên trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, hay trong chiến dịch cải cách ruộng đất, ý nghĩa và mục đích đấu tranh giai cấp vẫn luôn được nêu lên hàng đầu để động viên quân sự, chính trị hay kinh tế tập thể từng một thời đã qua mà ai cũng rõ. Nó giống như một sự kích thích quyền lợi gần gũi, thực tế, trước mắt thế thôi.

Nhưng thật ra đó chỉ là những cách nhìn cảm tính của mọi người CS thực hành, nó không thật sự phản ảnh chiều sâu của sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống học thuyết của Các Mác và Lênin gì hết.

Bởi Mác và Lênin hoàn toàn không nhìn đấu tranh giai cấp theo cách cảm tính, mà hoàn toàn theo cách triết học được gọi là triết học biện chứng. Tính cách triết học biện chứng này không xuất phát từ Mác hay từ Lênin mà lại từ một triết gia duy tâm người Đức là (Georg Wilhem Friedrich) Hegel (1770-1831) khởi xướng ra. Biện chứng luận (Dialektik, dialectics) theo Hegel là quy luật khách quan của tồn tại vũ trụ, tức giai đoạn tiền đề, giai đoạn phản đề, cuối cùng là giai đoạn hợp đề. Nói khác đi tính cách phủ định của phủ định là quy luật bao trùm cả lịch sử vạn vật và con người.

Mác hoàn toàn là người duy vật, cho vật chất chai ỳ là cái tồn tại duy nhất trong vũ trụ, nhưng Mác lại áp dụng quy luật biện chứng tinh thần của Hegel (tức thực thể siêu việt ngay từ đầu trong vũ trụ) để gán cho đó cũng là quy luật của vật chất chai ỳ. Nên theo quan niệm của Mác, đã là quy luật phủ định của phủ định thì giai đoạn xã hội CS nguyên thủy là giai đoạn tiền đề, giai đoạn phản đề là xã hội tư sản, TBCN, cuối cùng giai đoạn hợp đề là xã hội CS được Mác gọi là CS khoa học, tức là thiên đường của nhân loại. Mác cho rằng sở dĩ biện chứng xảy ra trong xã hội, tức sự phủ nhận liên tiếp của lịch sử xã hội mấu chốt là quyền tư hữu. Như vậy muốn chấm dứt biện chứng ở đích điểm cuối cùng thì cũng loại trừ quyền tư hữu, tức thành xã hội vô sản toàn diện. Theo Mác khi đó cũng không còn giai cấp, vì đấu tranh giai cấp đã hoàn toàn chấm dứt (vì loại bỏ tư hữu, cũng là loại bỏ đấu tranh nhau giữa người và người, thì thành ra xã hội thiên đường hạ giới). Nên theo Mác khi xã hội đang còn giai cấp, cần phải đẩy mạnh đấu tranh giai cấp, tức tiêu diệt xã hội tư bản, xã hội tư sản, để đi đến xã hội vô sản hay xã hội CS, cũng là tiêu diệt hết tư hữu, tiêu diệt hết giai cấp, trở thành xã hội phi giai cấp, không còn người bóc lột người, đó là điều mà Lênin gọi là chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, nhưng nó tự đào mồ chôn nó, và đó là đêm trước của thế giới đại đồng vô sản. Có nghĩa Mác và Lênin nhìn đấu tranh giai cấp chỉ như đáp ứng theo quy luật trừu tượng khách quan của lịch sử nhân loại mà không phải chỉ đấu tranh quyền lợi giai cấp cụ thể theo cách cảm tính của việc tuyên truyền nhất thời của cách mạng.

Bởi vậy việc chia ruộng đất cho dân nghèo chỉ là biện pháp lúc đầu, đến sau đều vào tập thể hóa và thu hồi chung lại, như là ruộng đất của chung của nhà nước, là điều mà ai cũng đã biết.

Rõ ràng lý luận của Mác về biện chứng là lý luận hoàn toàn trái khoáy, kiểu đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, kiểu mượn đầu heo nấu cháo. Vì biện chứng của Hegel là biện chứng duy tâm, thế mà Mác chuyển qua thành biện chứng duy vật, quả là kiểu gồng mình bạo gan bất chấp lô-gích và bất chấp triết học khách quan đúng nghĩa. Đó là sự nghịch lý hay sự phi lý đầu tiên trong lý luận kinh tế, xã hội và lịch sử của Mác. Vả chăng vật chất thuần, vật chất thô, vật chất chai ỳ mà tự nó có bản chất biện chứng được thật cũng là chuyện lạ, khó thể nào có thể quan niệm được về mặt khoa học lẫn triết học.

Mác quên một điều là mỗi cá nhân sinh ra trong xã hội đều bình đẳng, tự do. Do đó bài toán xã hội là bài toán tổ hợp, hợp tác nhau để cùng phát triển mà không phải kiểu chất thể gom chung để thực hành quy tắc biện chứng giả tưởng với chuyên chính vô sản làm biện pháp hay động lực chuyển động bó buộc.

Sự giàu nghèo trong xã hội là do vô số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tài nguyên, nguyên nhân chất lượng lao động, nguyên nhân công bằng và hòa hợp xã hội. Có nghĩa con người có tinh thần cộng đồng, tinh thần hợp tác, có ý thức khoa học, có lý trí hữu lý phải điều tiết xã hội sao cho hiệu quả và nhân ái, bài toán kinh tế là bài toán khoa học và pháp lý, không phải đâm đầu vào chuyên chính vô sản và biện chứng duy vật để giải quyết cho tất cả.

Giới công nhân lúc khởi đầu của xã hội tư bản phải nghèo, vì là giai đoạn của tích lũy tư bản để nhằm phát triển. Đó là giai đoạn tư bản sơ khai cần phải vượt qua về sau để làm cho xã hội hữu lý và công bằng hơn. Nên nói chung chính phát triển khoa học kỹ thuật mới là yếu tố động lực đi lên của xã hội, mà hoàn toàn không phải đấu tranh giai cấp kiểu hư ảo, trừu tượng, mê muội và mê tín theo quan điểm biện chứng duy tâm của Hegel mà Mác là lạm dụng, ngụy biện và lầm tưởng. Nên sự thất bại hay sự phá sản hoàn toàn của lý thuyết Mác trên thế giới ngày nay sau bao tốn kém mọi mặt để theo đuổi nó một cách khốc liệt, đó là do sự sai lầm về mặt triết học và về mặt khoa học trong bản chất của nó mà không phải chỉ là hiện tượng bên ngoài. Ngay quan niệm độc tài chuyên chính của Mác đưa ra để làm lá bài hộ mệnh cho mục đích lý luận nơi học thuyết của mình thật sự cũng là quan điểm phản xã hội, phi nhân văn, phi lịch sử mà nhân loại từ khởi đầu đến giờ hoàn toàn chưa có tiền đề kiểu hết sức khốc liệt và toàn diện như vậy.

Ngày nay thì mọi kết quả trên thế giới và trong mỗi nước đều cho thấy tất cả lý thuyết Mác là sai lầm, nhất là quan điểm đấu tranh giai cấp chỉ là quan điểm vớ vẫn, phi thực tế, phi khoa học, sai trái về nguyên tắc, về đạo đức mà trong quá khứ học thuyết Mác đã hoàn toàn mắc phải. Sự đấu tranh con người và con người trong xã hội luôn luôn là sự đấu tranh giữa cái hợp lý và không hợp lý, giữa điều đạo đức và phi đạo đức, giữa cái sai và cái đúng, điều đó chỉ có thể cải thiện dần theo đà phát triển của xã hội mà không bao giờ triệt tiêu được. Bởi vậy cho rằng dùng đấu tranh giai cấp để tiêu diệt giai cấp thật là quan niệm ngốc nghếch, ngây thơ, càn dỡ và hoàn toàn siêu hình, mê tín, phi thực tế hay hoàn toàn mê muội của Mác.

Ngày nay người ta càng thấy sự chênh lệch giàu nghèo, sự chênh lệch giai cấp ở các nước CS là càng ngày càng lớn sau suốt một thời gian dài làm ăn tập thể nghèo đói (vì sai quy luật tâm lý kinh tế học) không kết quả đã phải bị hủy bỏ. Có nghĩa học thuyết Mác hoàn toàn sai hỏng mà cứ vẫn noi theo hoài do sự xơ cứng về lập luận và lý luận. Đó cũng có nghĩa nguyên tắc giáo điều dù trong cấp độ và màu sắc nào cũng chận đứng phát triển. Đó là lý do hiện tại cũng chẳng có ai phê phán học thuyết Mác một cách hệ thống, sâu xa, đầy đủ để tìm ra hẳn một con đường kinh tế xã hội thật sự nhân văn, khoa học thực tiển, cụ thể, hợp lý, hiệu quả và kết quả để nhằm thay thế nó.

Mác còn gà mờ ở chỗ nghĩ rằng người của giai cấp sẽ cầm quyền. Thực tế không bao giờ như vậy cả. Bởi người của giai cấp là người lao động trực tiếp thật sự, hoặc trong nhà máy, hoặc trên ruộng đồng v.v… nên người cầm quyền bao giờ cũng là người hành chánh hay chính trị chuyên nghiệp, người thoát lý mọi giai cấp, họ chỉ có thể nhân danh giai cấp mà không bao giờ còn bản thân giai cấp đúng nghĩa thật sự. Đó chính là sự bé cái lầm, sự ngây thơ hay sự ngụy biện chính trị của Mác.

Do đó, ngày nay TQ đang có mưu đồ từng bước xâm lăng VN thấy rõ, mà qua các diễn tiến trên biển Đông và giàn khoan HD 981 đều oàn toàn thấy rõ. Vậy mà có số người vẫn tin vào tình đồng chí, tình anh em, tình gia đình nội bộ, tức là tình “giai cấp” để cùng nhau giải quyết. Đó chẳng qua là do não trạng đã quá nhuốm sâu vào ý niệm đấu tranh giai cấp hoàn toàn không thực tế mà ngay từ đầu bài viết ngắn này đã có mục đích đề cập, phân tích sâu xa và nền tảng để nhằm minh định, mà rất có thể cho đến nay có rất nhiều người CS không hề nhận thấy rõ hay phân biệt được. Đất nước ta có một lịch sử văn hóa ngàn đời, nay đã thế kỷ 21 rồi, mà chẳng có người nào nhận thức được toàn diện, đúng đắn, sâu sắc về học thuyết Mác, thì thật cũng hổ thẹn với tổ tiên và với cả thế giới loài người phát triển nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét